Mình đã từng bị “phốt”
“Phốt” ở đây mình coi đó là những sai lầm, vấp ngã nhớ đời.
Hồi đại học, mình là cái đứa đầu tiên bị thầy cho 0,5 điểm môn lý luận hoặc lựa chọn học lại. Đến kỳ 2, mình nhận tấm vé học lại thật nhưng là với môn thể dục.
Tất nhiên, không có lửa thì làm sao có khói. Mình đã làm sai nên mới phải nhận hậu quả như vậy. Vì thế bảng điểm năm 1 của mình lẹt đẹt chỉ toàn BCD.
Sang năm 3, dù mình đã cố gắng thay đổi và may mắn đạt 1 kỳ học bổng, nhưng sự học với mình không mấy suôn sẻ cho đến khi ra trường.
Tốt nghiệp xong, mình quyết định dấn thân vào làm ở các công ty để rèn luyện cũng như lấy kinh nghiệm thực tế từ trường đời.
Nhớ có một lần bị ốm nên mình đã xin phép anh quản lý làm online tại nhà. Nhưng hiệu suất công việc hôm đó mình làm chưa cao. Anh quản lý liền phản hồi rằng nếu bản thân cảm thấy không đủ sức thì mình có thể xin nghỉ 1 hôm, chứ không phải làm hời hợt và điền vào file báo cáo cho xong là được.
Khi đó, mình mới nhận ra bài học lớn là một khi đã làm việc gì thì phải làm nó cho thật chỉn chu, nghiêm túc và trách nhiệm.
Qua công ty thứ 2, một đứa tay ngang rẽ trái lại tiếp tục vấp phải không ít sai lầm. Điển hình là trong một lần tìm kiếm thông tin, mình đã vô tình viết sai tên của một nhân vật khá nổi tiếng.
Với mình, cú ngã này to đến nỗi mình có thể nghỉ việc vào ngày hôm sau bất cứ lúc nào. Bởi vì sai gì thì sai chứ sai họ tên người thì sợ lắm. Đúng là lúc đó mình hốt hoảng và sợ xanh mắt thật.
Nhưng sau khi được một người anh trấn an thì mình đã bình tĩnh và tìm đến khái niệm “xử lý khủng hoảng truyền thông” để giải quyết.
Mình nhận sai và xin lỗi chân thành với cấp trên, đồng thời mình đã viết một bài khác thay thế để sửa lỗi sai của mình.
Đến hiện tại, khi đang tạm thời “gap month”, việc mình viết lách, làm nội dung sẽ không tránh khỏi sự đụng chạm ý tưởng của người khác.
Chuyện không có gì xảy ra nếu mình chủ động xin phép tác giả, ghi đúng nguồn hoặc xào nấu chín tới để tạo ra sản phẩm của mình. Nhưng mình đã chưa làm được.
Vì vậy mọi lỗi lầm đều phải trả giá, nhẹ thì chỉ cần xin lỗi, mất tiền, nặng thì mất uy tín, danh dự, thậm chí mất cả sự nghiệp luôn…
Mình biết là bản thân không hoàn hảo. Những lỗi lầm kể trên, chẳng có bố mẹ, trường lớp nào dạy cho mình biết hết. Tất cả đều là những gì mình tự học, tự làm, tự trải nghiệm, tự vấp ngã, tự đứng dậy và tự rút kinh nghiệm.
Nên hài hước là mình không biết bản thân mình sai ở đâu cho đến khi có người thẳng thắn nhắc nhở.
Sai một ly đi một dặm. Nhưng quan trọng vẫn là thái độ của bạn đối diện với nó ra sao. Là bơ lác, làm ngơ, đổ lỗi, chối bỏ hay bạn sẽ thành khẩn xin lỗi, tìm cách sửa đổi và rút kinh nghiệm?
Do đó mình tin, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại, chỉ cần bạn thực sự ăn năn hối lỗi thì mọi sai lầm ít nhiều đều có thể tha thứ. (Hope so)
——–
Có thể sau bài này, nhiều người sẽ nghĩ mình dở hơi, tự dưng vạch áo cho người xem lưng. Nhưng nếu ta đã khoe được cái hay, cái đẹp, thành tích, kết quả thì tại sao lại không dám nói ra những khuyết điểm, lỗi lầm của bản thân? Đó cũng là một phần không thể chối bỏ của mỗi người mà.
——–
Mặc dù tuổi trẻ có quyền sai nhưng chẳng ai muốn mình sai mãi cả.
Thế nên thành thật xin lỗi bản thân, xin lỗi những người mà mình đã làm họ thất vọng. Mong rằng sau mỗi bài học, bản thân mình sẽ thật cẩn thận, suy nghĩ chín chắn để tránh lần sau không mắc phải những sai lầm tương tự và để hoàn thiện bản thân tốt hơn từng ngày 🥺
Đức Min – cô nàng tuổi đôi mươi đang bước vào thế giới người lớn.