Có lẽ từ xưa đến nay, nghề sale thường đính kèm với dòng trạng thái “không thiện cảm” nào đó với mọi người, chứ đừng nói là telesale, nhỉ? Vậy nghề telesale là gì? Nghề telesale có thực sự “xấu xí” như bạn nghĩ? Bài học mình nhận được sau khi làm nghề telesale là gì?
Bài viết về câu chuyện đi làm telesale của mình dưới đây mong rằng sẽ cho bạn một góc nhìn khác về công việc này nhé!
1. Nghề telesale là gì?
Telesales là một công việc tìm khách hàng để chào bán sản phẩm hay dịch vụ nào đó qua điện thoại. Đây thường được coi là nghề dành cho sinh viên hoặc là bước khởi đầu cho những ai muốn bước chân chính thức vào công việc bán hàng.
2. Nghề telesale làm công việc gì?
Công việc của nghề telesale có thể hiểu qua quy trình sau: Đầu tiên là chương trình tập huấn, nắm bắt thông tin sản phẩm, đọc kịch bản, nhận danh sách số điện thoại, ổn định tư thế xuống ghế và bắt đầu gọi.
Mỗi ngày, bạn sẽ được quản lý giao cho một list danh sách các số điện thoại, việc của bạn là ngồi gọi từ đầu đến cuối. Ai máy bận hoặc không nghe máy thì note lại, tí gọi lại tiếp.
Trường hợp gọi có người bắt máy, bạn sẽ trao đổi thông tin, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Nếu họ không có nhu cầu thì bạn sẽ note số đó vào danh sách không tiềm năng.
Còn nếu khách hàng có vẻ quan tâm, bạn sẽ có cơ hội đi gặp trực tiếp họ để trình bày và tìm cách chốt một cuộc mua bán thành công nào đó.
Nếu không may, bạn sẽ ngồi lõm cái ghế ấy cả ngày, ngày nào cũng vậy, cứ thế gọi điện thoại.
3. Góc khuất nghề telesale
Công việc nào cũng có hai mặt. Nghề telesale tưởng chỉ ngồi điều hòa, xơi nước, hót thành lời nhưng cũng khá vất vả và chịu nhiều uất ức đấy.
Điển hình như đến cuộc gọi 101 thì bạn vẫn phải giữ được thần thái niềm nở như cuộc gọi “đầu tiên”. Vòng tuần hoàn ấy cứ lặp đi lại ngày qua ngày cho đến khi may mắn gõ cửa, bạn gặp được vị khách chốt deal thành công.
Nghề telesale là chủ động gọi điện cho người khác, dù không biết đầu dây bên kia đang rảnh rỗi hay bận rộn, đang vui hay đang buồn. Vì thế, nếu telesale bị chửi, bị cúp máy giữa chừng, bị mắng sa sả cũng là điều hiển nhiên thường thấy. Chưa kể, cái nghề gọi điện nóng máy, nói khan cả cổ nhưng vẫn chưa đạt KPI chỉ tiêu thì áp lực lại thêm chồng chất.
Tuy nhiên, đã là nghề thì sẽ có người làm. Thử nhìn theo góc độ mới, người có nhu cầu sẽ tìm đến người cung cấp. Ví dụ có khách hàng đang tìm mua một căn nhà mà thông tin giá cả trên thị trường đều mông lung, nhưng gặp được một sale có tâm là bạn, sẵn sàng giải thích, tư vấn đầy đủ để họ đưa ra quyết định thì sao?
Khi đó, bạn chính là người xoa dịu nỗi đau, giải quyết vấn đề thắc mắc của khách hàng.
Nên điều quan trọng là sự tiếp cận phải đúng người, đúng đúng thời điểm.
4. Câu chuyện đi làm telesale của mình
Đầu năm 2 đại học, công việc đầu tiên mình lựa chọn là làm telesale cho một phòng tập gym hạng trung, giữa lòng thủ đô bốn bề hối hả. Hồi ấy, kiếm được chỗ làm này khiến mình tự hào lắm.
Đơn giản là vì mình biết chắc chắn đây sẽ là cơ hội cho mình được đi tập gym miễn phí. (Tại yêu thích lối sống healthy và tập luyện, nên nhân thời cơ này mình phải nắm bắt ngay)
Sau hết, công việc ở đây có mức lương khởi điểm là 25k/h. Với một đứa sinh viên tỉnh 14 (không lẻ) như mình, khoản thu nhập đi làm tại đây ít nhiều cũng hỗ trợ phần nào chi phí sinh hoạt hàng tháng. Đặc biệt, so với công việc phục vụ khác thì đó là mức lương mình cảm thấy hài lòng tại thời điểm bấy giờ.
Vậy rốt cuộc telesale thì làm được trò chống gì?
5. Có nên làm nghề telesale không?
Làm telesale biến mình từ một nữ nhân với chất giọng trầm ồm có thể khai sáng được tông giọng gió, nhẹ nhàng, bánh cuốn mà bao lâu bị tiềm ẩn nơi nào không hay.
Làm telesale đã biến một đứa dễ nóng nảy có thể rèn luyện bản thân sự bình tĩnh, kiên trì xử lý mọi tình huống trước mỗi vị khách hống hách, khó ưa, khó chiều…
Hơn nữa, nghề telesale biến mình từ cô bé rụt rè, ít nói đã cải thiện được khả năng giao tiếp, phản xạ ứng biến linh hoạt rất nhiều cho đến ngày hôm nay.
Đặc biệt, đi làm dạy mình một bài học lớn đầu đời: Đôi khi, bên ngoài họ đối xử với bạn thế nào không có nghĩa trong lòng họ cũng muốn như thế. Câu “khách hàng là thượng đế” chỉ đúng khi ở trước mặt chào chị, kính anh.
Nhưng nhỡ họ có quay xe, sau lưng sẽ là tiếng chửi. Nó biến mình phải hòa nhập trong môi trường dịch vụ ấy. Một người được rèn dũa trong nếp sống gia đình từ lời ăn, tiếng nói đều phải được chỉnh đốn, không hề biết đến câu văng tục, chửi thề thì với mình nó kỳ lạ lắm.
Nhưng chắc chắn hòa nhập chứ không hòa tan, mình chỉ nghe và biết thế thôi.
Rồi mình nhận ra, dù khách hàng hay nhân viên, người sử dụng hay người trao đi dịch vụ, dù ở cấp cao cấp thấp hay là bất kỳ ai thì chúng ta hãy cứ nên đối xử với nhau bằng cái tâm tử tế.
Đơn giản một hôm trời xanh mây trắng nắng vàng, bỗng mình nhận được một cuộc gọi kiểu:
- “Em chào chị, em là Z gọi từ dự án đất nền ngay sát biển Y. Em gọi đến để giới thiệu với chị 4 điểm cực kỳ hấp dẫn của dự án này xứng đáng để chị cân nhắc đầu tư ạ”
- “Cảm ơn bạn nhưng mình không có nhu cầu nhé”
Mình nhẹ nhàng hạ giọng và cúp máy như thể hiện là một người có tiền nhưng không thích quan tâm =))
Trêu vậy thôi, bởi mình biết họ làm việc cũng là để kiếm miếng cơm manh áo. Công việc nào cũng có áp lực và khó khăn riêng, nên mình vẫn cần tôn trọng họ.
6. Làm nghề telesale mãi có phát triển được không?
Tại sao lại không nhỉ?
Tuy nhiên, nghề nào cũng có cái khó, cần sự quyết tâm cao. Nếu đã dấn thân vào công việc này thì bạn nên trau dồi các kỹ năng mềm khác như: luyện giọng nói, lắng nghe đúng cách, đọc vị được khách hàng…
Và nếu bạn muốn phát triển trong nghề telesale thì hãy trân trọng và biến nó thành một phần việc marketing của công ty, chứ đừng nghĩ tính mình sao nói vậy, tư vấn chỉ mong bán được hàng…
Khi xác định làm nghiêm túc, gắn bó lâu dài, nếu làm tốt thì chắc chắn từ telesale bạn sẽ được lên cấp sale, làm trưởng nhóm, hoặc thành quản lý… tùy thuộc vào năng lực và mục tiêu của bạn.
Trái lại, nếu chỉ làm một cách hời hợt, thì đây chỉ là việc đáp ứng cho mục đích kiếm tiền của bạn mà thôi.
Đến chủ tịch tập đoàn hãng gà rán KFC cũng xuất phát từ nghề nhân viên bán bảo hiểm và trạm xăng… Cho nên, telesale hay mọi ngành nghề khác chúng ta đang làm chẳng có gì phải tự ti và xấu hổ cả.
7. Lời khuyên
Điều quan trọng là đừng vì đồng tiền mà xem nhẹ đạo đức, bán đi lương tâm để kiếm tiền trên sức khỏe của người khác như telesale bán thuốc đông y, mỹ phẩm kem trộn… thì không thể chấp nhận được.
Vì thế, dù có là giám đốc công ty hay nhân viên phục vụ bàn, thì bạn vẫn phải làm với đúng tính chất và trách nhiệm. Miễn sao công việc đó không trái đạo đức, trái pháp luật và kiếm được đồng tiền chân chính bằng chính mồ hôi, sức lao động của mình.
Đó mời là điều luôn đáng được trân trọng.
Mình viết bài này với mục đích chia sẻ trải nghiệm cá nhân nên không có ý cổ súy hay phân chia bất kỳ công việc nào cả.
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây! Hy vọng những chia sẻ của mình giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về nghề telesale này nhé!
2 comments
Các bài viết của bạn rất truyển cảm hứng … mong 1 ngày nào đó bạn sẽ viết thành sách truyền cảm hứng chắc sẽ được nhiều người đón nhận
Ôi, mình cảm ơn vì bạn đã dành thời gian đọc các bài viết của mình. Lời comment của bạn ý nghĩa lắm. Nó như tiếp thêm cho mình động lực muốn trao đi nhiều giá trị hơn nữa gửi đến mọi người. Hy vọng bạn sẽ luôn ủng hộ và theo dõi các bài viết sau của mình nữa nha. Cảm ơn bạn thật nhiều!