Freelancer không chỉ là xu hướng công việc được nhiều người ưa thích mà nó còn đang trở thành trào lưu nghề nghiệp của rất nhiều bạn giới trẻ muốn theo đuổi hiện nay. Vậy freelancer là gì? Freelancer dưới góc nhìn pháp lý sẽ ra sao? Freelancer có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không?
Bài viết dưới đây sẽ giải đáp hết thắc mắc cho bạn từ Ducminday – một cô nàng xuất thân học Luật nay mới có dịp thể hiện cho hay nha!
1. Freelancer là gì?
Freelancer là gì? Freelancer hay “người làm việc tự do” là một người có thể làm việc với nhiều dự án khác nhau, với nhiều cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp khác nhau cùng lúc thay vì trở thành một nhân sự cố định thuộc một tổ chức/doanh nghiệp nào đó.
Hiểu đơn giản, freelancer là người tự làm việc một cách độc lập, tự do và thường hoạt động online trên internet. Công việc freelancer là nghề tự cung cấp dịch vụ, tự đi tìm khách hàng và hưởng thù lao trên các đầu việc, tính phí theo giờ, theo ngày hoặc theo tuần. Vì thế, các công việc tự do thường có tính chất ngắn hạn nhưng cũng có các dự án kéo dài theo quý, theo năm.
2. Freelancer là làm gì?
Chỉ cần không bắt buộc đến tận nơi để bàn giao, thảo luận hay thực hiện thì đều có thể làm freelancer. Tuy nhiên, “free” ở công việc này không có nghĩa là thích làm gì thì làm, làm lúc nào cũng được. Mà nghề freelancer sẽ luôn phải đảm bảo đúng deadline và chất lượng công việc được thống nhất giữa hai bên.
Tùy thuộc vào chuyên môn của mình, bạn có thể tìm kiếm một công việc phù hợp để bắt đầu hành trình Freelancer của bản thân. Một số công việc tự do phổ biến ngày nay thường xuất phát trong các ngành công nghiệp sáng tạo như: âm nhạc, thiết kế đồ họa, lập trình máy tính, marketing, website desgin, nhiếp ảnh, biên dịch, huấn luyện, đào tạo, dịch thuật… Và mình cũng đang từng bước thực hiện hóa ước mơ trở thành một freelancer từ chính công việc xây dựng và phát triển blog Ducminday này.
3. Ưu và nhược điểm của Freelancer
3.1 Ưu điểm của Freelancer
- Thời gian làm việc linh hoạt:
Không còn phải làm việc trong một khung giờ cố định 9 to 5 như bao người khác. Nghề freelancer cho bạn có thể chọn giờ làm việc hoặc tự đặt ra lịch trình làm việc phù hợp của riêng mình. Bạn có thể bắt đầu công việc từ sáng sớm, hoặc đêm khuya và dành cả thời gian cả ngày đi chơi, miễn sao bạn vẫn đảm bảo đúng tiến độ công việc và đúng deadline là được.
- Nhiều lựa chọn:
Nếu bạn có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, bạn vừa có thể làm content marketing kiêm luôn design thiết kế cho dự án khác. Bởi nghề freelancer đem lại cho bạn rất nhiều lựa chọn và ít bị giới hạn trong thị trường hoặc các lĩnh vực cụ thể nào đó.
- Tự kiểm soát tốt hơn:
Khi đã trở thành người làm nghề tự do thì bạn cần tự đặt ra mục tiêu và có kế hoạch kinh doanh của riêng mình để phát triển nghề nghiệp. Cho nên, càng kỷ luật, càng tư do. Tuy nhiên, nghề gì cũng đều có hai mặt, và làm freelancer cũng vậy.
3.2 Nhược điểm của nghề Freelancer
- Ít ổn định hơn:
Vì nghề Freelancer phụ thuộc vào việc bạn có tìm được khách hàng hay không, nhất là trong giai đoạn đầu tiên. Từ đó, nhiều người làm việc tự do vì thiếu sự chuẩn bị và mối quan hệ nên không đảm bảo được sự ổn định về mặt tài chính, dẫn đến bỏ dở giữa chừng để quay lại làm công việc toàn thời gian như xưa.
- Ít nhận được các lợi ích cần thiết khác
Công việc Freelancer ít nhận được các lợi ích như bảo hiểm, lương hưu, lương cố định hay một không gian làm việc… vì người làm việc tự do phải tự chịu trách nhiệm cho những quyền lợi của riêng mình.
Hơn nữa, do tính chất các công viêc theo dự án thường có thể tính thời vụ hoặc dài hạn mà các nhà tuyển dụng/khách hàng thường không muốn tuyển nhân sự toàn thời gian. Vì để trở thành freelancer – những người thường có chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn từ trước nên khách hàng sẽ thấy việc thuê một freelancer sẽ kinh tế hơn và không cần thời gian để đào tạo hay hướng dẫn từ đầu.
4. Nghề freelancer dưới góc nhìn pháp lý
Cho dù bạn là một người làm việc tự do thì bạn cũng chính là ông chủ, làm sếp cho “doanh nghiệp nhỏ” của chính mình. Và dưới góc độ pháp lý, quyền lợi của người làm freelancer theo Khoản 3 Điều 34 Bộ luật lao động năm 2019 được quy định như sau:
“3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian, quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.“
Như vậy, Freelancer cũng là một nghề được pháp luật bảo vệ quyền lợi như bao nghề khác và bạn hoàn toàn có thể yên tâm nếu có ý định muốn trở thành một freelancer nha!
4.1 Freelancer có phải ký hợp đồng lao động?
Freelancer là công việc được nhận tiền để thực hiện các nhiệm vụ cho khách hàng hay chủ dự án, tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng không phải chịu ràng buộc, giám sát, quản lý, điều hành của người đó.
Cho nên, nếu xét theo Khoản 1 Điều 13 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định:
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động
Và theo Khoản 2 Điều 34 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:
“2. Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động“
Do đó, việc ký kết hợp đồng lao động giữa mối quan hệ của doanh nghiệp và freelancer vẫn được xác lập nếu có sự thỏa thuận giữa 2 bên để đảm bảo quyền lợi của riêng mình. Nhưng thực tế, doanh nghiệp và freelancer thường giao kết hợp đồng dưới nhiều hình thức khác nhau như:
- Hợp đồng lao động mang tính thời vụ, ngắn hạn
- Hợp đồng sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực sản xuất nội dung
- Hợp đồng sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực xuất bản
- Hợp đồng quảng cáo trên mạng xã hội
- Hợp đồng dịch vụ
Có thể nói, trước khi giao kết bất cứ loại hợp đồng nào, người làm freelancer cần lưu ý các nội dung trong hợp đồng để xác định đúng mối quan hệ pháp lý với doanh nghiệp cũng như đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhé.
Xem thêm: Tối ưu thuế phải nộp cho thu nhập từ kinh doanh, kiếm tiền online qua OnlineTaxCoach
Một chương trình cung cấp chiến lược tối ưu hóa chi phí thuế và giảm rủi ro bị phạt, truy thu thuế hoặc nguy cơ thành tội phạm trốn thuế, giúp bạn tập trung phát triển kinh doanh một cách an tâm, bền vững.
4.2 Freelance có phải ký hợp đồng dịch vụ không?
Mặc dù là làm nghề tự do nhưng freelancer không nên làm việc mà không có bất cứ văn bản thỏa thuận nào ràng buộc về quyền và nghĩa vụ với khách hàng/doanh nghiệp. Hiện nay, hợp đồng dịch là một loại hợp đồng phổ biến và tương đối phù hợp với bản chất của công việc freelancer.
Cụ thể theo Điều 513 Bộ luật Dân sự 2016 quy định như sau:
“Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.“
Đối tượng của hợp đồng này là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Từ đó, một bên có trách nhiệm thực hiện công việc, một bên có trách nhiệm trả tiền. Tuy nhiên, bản thân freelancer có thể tự do thực hiện công việc và bàn giao lại khách hàng sau khi đã hoàn thành để nhận tiền cung cấp dịch vụ.
Vì thế, tùy thuộc vào tính chất công việc nhiều hay ít, đối tượng khách hàng là cá nhân hay doanh nghiệp mà việc ký hợp đồng dịch vụ của freelancer sẽ thay đổi linh hoạt trên thực tế.
Xem thêm: 10 lợi ích mình nhận được từ việc viết blog
4.3 Freelancer có phải đóng bảo hiểm xã hội?
Sau khi biết freelancer là gì, chắc hẳn freelancer có phải đóng bảo hiểm xã hội không cũng là một câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm. Dưới góc độ nghề luật, tại Điểm 1 Khoản 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định đối tượng được áp dụng như sau:
“a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Ngoài ra, nếu bạn là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH thì có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Trong khi freelancer là người làm việc không nằm trong cơ cấu bộ máy tổ chức của bất kỳ một doanh nghiệp nào, nên họ không được hưởng các chế độ bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Thay vào đó, người làm freelancer có thể đăng ký đóng BHXH tự nguyện để nhỡ sa cơ lỡ bước, bạn vừa có thể được hưởng lương hưu khi về già mà vừa đảm bảo cuộc sống về sau. Hoặc freelancer có thể tham gia các gói bảo hiểm nhân thọ khác tùy thuộc vào thu nhập, nhu cầu và khả năng của mình.
Bởi một thời đại công nghệ toàn cầu hóa cũng như mở rộng tầm nhìn, chuyện mỗi cá nhân nên sở hữu cho mình 1 gói bảo hiểm là một điều cần thiết. Và thực tế hằng năm, cả gia đình mình đều đóng sương sương gần 100 triệu cho việc tham gia bảo hiểm nhân thọ. Vì đó không chỉ là một hình thức đầu tư, tích lũy mà quan trọng tham gia bảo hiểm còn giúp đề phòng, bảo vệ cho mọi rủi ro không may xảy ra trong cuộc đời mỗi chúng ta.
4.4 Freelancer có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không?
Dù ít hay nhiều, việc đóng thuế thu nhập cá nhân vẫn là trách nhiệm của mỗi người đối với Nhà nước, xã hội. Cho nên, khi bắt đầu trở thành một freelancer, ngoài chuyện được nhận lương, bạn cũng cần quan tâm đến nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân của mình được quy định điểm i, Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
“Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.“
Theo đó, freelancer sẽ phải trích 10% thù lao để đóng thuế thu nhập cá nhân. Tùy theo thỏa thuận với doanh nghiệp, freelancer hoặc tự kê khai và nộp thuế với cơ quan quản lý thuế, hoặc doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện các thủ tục về thuế theo sự ủy quyền của freelancer.
Đối với freelancer có thu nhập từ nước ngoài, bạn phải tự mình nộp thuế thu nhập cá nhân theo từng lần phát sinh và tự khai thuế theo quý 2. Đặc biệt bạn cần lưu ý chính sách khấu trừ thuế tại nguồn theo quy định ở các nước mà tổ chức, doanh nghiệp chi trả thu nhập, để tránh bị đánh thuế hai lần (nếu có).
5. Kết luận
Tóm lại, freelancer dưới góc nhìn của pháp lý vẫn được coi là một nghề được pháp luật bảo đảm cho các quyền và lợi ích nhất định. Hi vọng bài viết này đã cho bạn có thêm kiến thức về nghề freelancer cũng như những ưu, nhược điểm của công việc này mang đến.
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây, mong rằng bài viết của Ducminday sẽ hữu ích để giúp bạn chuẩn bị hành trang vững chắc khi muốn bước chân trở thành người làm nghề tự do và làm chủ cuộc đời mình.
2 comments
bài viết rất chi tiết
Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết của mình ạ. Hy vọng bạn sẽ luôn ủng hộ và theo dõi các bài viết sau của mình nữa nha!