bữa ăn trưa vô giá ở đảo

Câu chuyện mất điện và bữa ăn trưa vô giá ở đảo

by Duc Min

Sau mấy ngày nay thấy mọi người có vẻ bàn tán xôn xao vụ chi phí ngoài đảo “n.g.á.o g.i.á”… mà mình chỉ hơi??

Vậy thử để mình kể cho bạn một câu chuyện có 102 ở phố huyện nhưng lại xuất hiện bất ngờ ở trên đảo, xem có khiến cho mọi người có góc nhìn khác về người dân ở nơi đây không nha.

⚠️Cảnh báo: Đây là câu chuyện khá dài và lan man nên ai không hợp gu thì xin mời lướt qua ạ.

Chuyện là…

Vào một buổi sáng đầu tuần, sau khi thực hiện xong “monk mode” thì mình chuẩn bị mở máy tính làm việc.

Nhưng bùm – điện cúp, quạt ngừng quay. Mà điện + máy tính + internet vốn là nguồn sống của Freelancer, nếu thiếu 1 trong 3 thì coi như đứt.

Mình mới quyết định chạy ra ngoài khu phố đi bộ với hy vọng sẽ tìm được nguồn sáng.

Vì mình biết trước kia ở đảo chưa có điện thì hầu hết nhà nào cũng sẽ sắm một chiếc máy phát. Do đó, chủ động ra ngoài tìm kiếm là cách tốt nhất mình có thể làm thay vì ngồi đần ở nhà than thân, trách mấy bác thợ điện.

Chạy dọc, chạy ngang đoạn đầu khu phố nhưng mình chẳng thấy nhà nào khả quan, có quán cafe thì cúp điện, quán có điện thì không cho dùng máy tính.

Được cái bản tính lì đòn và không dễ khuất phục nên mình cố gắng đi bộ hết con đường phía dưới xem sao.

Và may mắn là mình đã tìm thấy nhà ông bà TN – một nhà hàng chuyên phục vụ cả đồ ăn, chỗ nghỉ, tour trải nghiệm ở ngay sát trung tâm đảo Quan Lạn.

Khi đấy, nhà ông bà chưa có khách, nhưng quan trọng nhất là có điện. Mình mới nhanh chóng chạy vào hỏi với thái độ niềm nở và mong chờ.

– “Cháu chào ông bà… không biết cháu có thể nhờ ông bà cho cháu xin ngồi nhờ một lúc để sử dụng điện và làm việc được không cơ?”

Mình chỉ nghĩ đơn giản, nếu ông bà đồng ý thì đến giờ trưa mình sẽ ở đó ăn cơm và viết bài review coi như báo đáp ân tình. Hoặc nếu ông bà có tính tiền điện/chỗ ngồi thì mình vẫn vô tư. Bởi mình chỉ cần có đủ 3 “nguồn sống” để “kiếm cơm” là được.

Không ngờ là cả ông bà và cô con dâu đều gật đầu đồng ý.

Ngay lập tức, mình lon ton chạy về nhà vác chiếc laptop đã chai pin (nặng ~ 4kg) để ra một quán cơm làm việc.

——————

Điều đặc biệt và ấn tượng nhất là đến tầm 11h30, trong khi mình chưa kịp order đồ ăn thì ông bà đã bê ra một mâm cơm và bảo mình nghỉ tay để ra ăn trưa cùng gia đình.

Giây phút ấy khiến mình rất ngại:

+ Thứ nhất, rõ là một nhà hàng kinh doanh lại xuất hiện mình + chiếc laptop đến ngồi lù lù một góc, ung dung sử dụng điện + wifi + quạt của gia đình họ.

+ Thứ hai, vốn là một người khách xa lạ, tự dưng được một gia đình dân đảo mời ăn cơm nên mình không biết cư xử làm sao cho phải phép.

Nhưng bầu không khí ngượng ngùng, bối rối lúc đó nhanh chóng bị xua tan bởi sự thân thiện, ấm áp, nồng hậu của gia đình ông bà.

– “Ui cháu không phải ngại đâu, cháu đi một mình thì ăn có đáng là bao. Nếu cháu không chê thì cứ ra đây ăn cơm trưa cùng với gia đình ông bà nhé”.

Thế là mình chẳng có lý do nào để từ chối cả.

——————

Tuy đây chỉ là mâm cơm đơn sơ đạm bạc gồm 3 món: Tôm rang, rau bí xào và canh cá chua chua. Nhưng đối với một đứa thích phiêu bạt tự do như mình thì đó là một bữa cơm vô cùng quý giá.

Nó không chỉ ngon mà còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa của tình người dân đảo, mà vài ngôn từ hạn hẹp của mình khó có thể diễn tả hết thành lời.

Trong bữa cơm đó, mình đã hiểu hơn về cuộc sống và con người nơi đây.

Chỉ cần nghe ví dụ: “Để xây ngôi nhà 1 tầng ở ngoài đảo bằng xây ngồi nhà 3 tầng ở đất liền” thì chắc bạn đã hiểu chi phí sinh hoạt trên đảo có đắt hơn bình thường cũng là lẽ thường tình.

Cứ thế, trước lạ sau quen, mình và cả gia đình ông bà đã trò chuyện với nhau rất vui và gần gũi.

Mặc dù ăn xong mình có nhã ý muốn dọn dẹp (rửa bát) nhưng ông bà bảo không cần, nhà có người dọn rồi, cháu ra ăn tráng miệng (có mận và vải) đi.

Sau đó đầu giờ chiều, mình vẫn tiếp tục “mặt dày” ngồi lại vị trí cũ để hoàn thành nốt công việc, thì bất chợt bà bèn đi tới, dúi cho mình vài chiếc bánh kẹo và nói:

– “Vừa làm vừa ăn cho đỡ buồn miệng cháu ạ”

Thực sự khoảnh khắc đó khiến mình xúc động lắm và thắc mắc rằng:

– “Tại sao mọi người lại đối xử tốt với mình như thế?”

Ông bà chỉ cười và đáp:

– “Vì ông bà đã từng vào trong đất liền và gặp rất nhiều lần bị chặt chém, uống một hớp nước cũng mất tiền, đi vệ sinh “nhờ” cũng phải trả phí. Thế nên, ông bà mong muốn mọi người ra đảo sẽ luôn thoải mái mà không phải bị đối xử như trên”.

Giờ thì mình đã hiểu vì sao nhà hàng của ông bà luôn full kín chỗ hoặc full kín phòng (mỗi dịp cao điểm), mặc dù tìm trên hội nhóm thì chẳng thấy tên nhà hàng Thanh Thanh ở đâu. Bởi lượng khách lưu trú đến đây thường đến từ marketing truyền miệng – người này giới thiệu cho người khác.

Hoặc có thể do mình không còn ông bà nội ngoại nữa, nên mỗi lần tiếp xúc với người cao tuổi thường khiến mình có cảm giác thân thương, trân trọng như ông bà ruột thịt của mình vậy.

Để cho tới khi về, ông bà vẫn rất niềm nở nói với mình rằng:

– “Khi nào rảnh thì nhớ quay lại nhà ông bà nhé, hoặc nếu không ngại thì đến giờ cứ ra nhà ông bà ăn cơm cùng cho vui”

Nghĩ lại mới thấy câu chuyện của mình diễn ra như trong film.

Dẫu biết ở đâu cũng sẽ có người này người kia, nhưng hiện tại mình chỉ thấy bản thân may mắn vì luôn gặp được những người tốt. Họ tốt đến nỗi coi mình như con cháu ruột thịt trong nhà.

Còn bạn thì sao, bạn đã gặp được người dân đảo nào tốt bụng chưa? Chia sẻ cho Ducminday với nhé! ☺️

Có thể bạn sẽ thích

Leave a Comment

error: Hông copy được đâu
Ebook 7 ngày thiết blog cá nhân

Ebook 7 ngày thiết blog cá nhân

Hướng dẫn chi tiết 19 bước tạo website + 19 cách kiếm tiền online, cùng các tips trở thành Blogger dành cho Newbie