Sau 10 năm học piano, mình rút ra được bài học gì? Thành công quan trọng thế nào mà ai cũng muốn nhắc đến vậy? Bạn đã nỗ lực đủ lớn, cố gắng đủ nhiều để thành công gõ cửa hay chưa? Bài viết dưới đây sẽ có câu trả lời cho bạn nhé!
1. Quy tắc 10.000 giờ của những kẻ xuất chúng
Thần đồng thành công từ nhỏ chỉ có 102. Còn nếu bạn là người bình thường, viết nên câu chuyện đời thường của chính bạn, thì hãy làm chúng bằng sự siêng năng, phấn đấu tốt hơn mỗi ngày.
Có lẽ bạn đừng vội gắn mác thành công phải tính theo số ngày, tháng, năm. Bởi thành công nên được đánh giá bằng thập kỷ, dựa trên hành trình bạn đã trải qua thế nào.
Trong quyển “Kẻ xuất chúng” có viết: Bạn phải mất khoảng 10.000 giờ làm việc và học hỏi để làm chủ nghề của mình. 10.000 giờ trung bình với 10 năm, mỗi năm 1.000 giờ, tương ứng mỗi tuần 20 giờ và mỗi ngày 3 giờ rèn luyện chăm chỉ.
Mười nghìn giờ là con số thần kỳ của sự vĩ đại, vì luyện tập không phải là thứ bạn làm khi đã thành công. Nó là thứ bạn buộc phải làm để khiến mình trở thành bậc xuất chúng!
Gợi ý chỗ mua đàn organ/piano chất lượng, giá cả hợp lý ở đây
Đặc biệt, bạn nhớ đọc mã “DUCMIN” để được giảm 10% ưu đãi nhé!
Hoặc bạn có thể liên hệ trực tiếp qua Facebook này để được mình tư vấn miễn phí nha!
2. Bài học thành công trong cuộc sống và chuyện 10 năm học piano
Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân
Và chuyện 10 năm học piano của mình cũng bắt đầu như thế.
Nốt nhạc đầu tiên mình biết đánh là khi lên 8 tuổi. Vốn có máu yêu nghệ thuật nên hè năm đó mẹ có dẫn mình sang nhà chị hàng xóm (giáo viên âm nhạc) để được học đàn trên chiếc organ trầy xước, đôi phần cũ kỹ.
Chính người thầy đầu tiên ấy đã cho mình cơ hội trở thành học sinh duy nhất được chọn đi thi đánh đàn độc tấu cấp tỉnh, khi mình vừa tròn tuổi 12.
Giờ nghĩ lại mình vẫn thấy bồi hồi, không phải vì tấm giải Ba mình đạt được, mà đó có lẽ là lần đầu và cũng là lần cuối mình được tham dự một cuộc thi. Một cuộc thi đọng lại trong mình nhiều kỷ niệm đến thế.
Nhờ cuộc thi này, mình mới biết đến thầy Chung. Người thầy tiếp theo dạy mình học piano một cách bài bản, chuyên nghiệp cho đến khi mình vào đại học. Thầy Chung là một người khá vui tính nhưng cùng đầy nghiêm khắc.
Một buổi hai thầy trò học với nhau kéo dài 1 tiếng rưỡi. Bắt đầu buổi học là 15 phút mình ngồi luyện ngón. Một cây đàn chỉ có 7 nốt nhạc, nhưng có khi bạn luyện đi luyện lại vài trăm lần chưa chắc các ngón tay đã đánh linh hoạt như mình mong muốn.
Luyện ngón giống như cách xây nền móng, gốc rễ phải đầy đủ, chắc chắn mới có thể bền vững xây cao và vươn xa. Đó là lý do vì sao mình mất gần 2 năm chỉ ngồi luyện ngón tay trên phím đàn.
Cũng như bao người khác, mới đầu học piano mình nản lắm, có những bài chỉ đánh một ngón, hai ngón, rồi cả 5 ngón tay mà đánh mãi chưa thể kiểm soát nổi.
Bình thường không sao, cho đến khi đôi tay mình bắt đầu ra mồ hôi trộm thì “khó khăn” lại thêm chồng chất. Vì thế, chiếc khăn tay luôn là người bạn đồng hành cùng mình trong suốt hành trình học piano đến bây giờ.
Thư gửi Elise (Beethoven), hành khúc Thổ Nhĩ kỳ (Mozart) hay Maple Leaf Rag (Scott Joplin)… là những bản nhạc cổ điển mà dân học nhạc nào cũng quen mặt. Mình cũng không ngoại lệ. Sau khi được thầy giao bài là chuỗi ngày mình ngồi phá nốt. Nôm na trong giới học đàn được hiểu là đánh các nốt theo bản nhạc.
Đánh xong hoàn chỉnh một tác phẩm mình vui sướng, thích thú ghê, cứ ngỡ như mình đã chinh phục được một kiệt tác âm nhạc nghệ thuật nào đó. Nhưng không, với thầy, phá xong nốt mình mới chỉ đi được ½ chặng đường.
Bật mí tất cả HÀNH TRANG HỌC PIANO của mình ở đây
Hãy làm mọi việc bằng cả cái tâm
Những năm tháng học piano đi qua, mình mới hiểu ra rằng, muốn chơi một tác phẩm cổ điển không chỉ cần đánh cho trôi chảy, nuột nà. Mà bạn còn phải chơi sao để có cái hồn, mang lại màu sắc lúc trầm lúc bổng, theo các thang âm mạnh mẽ, nhẹ nhàng tựa như mây.
Người chơi như kể thay câu chuyện của chính tác giả qua từng giai điệu, từng nốt trên phím đàn. Chứ không đơn thuần chỉ là đánh “tằng tằng” cho xong. Một màu, vô cảm xúc.
Vì thế, thầy càng nghiêm khắc với mình bao nhiêu cũng chính là để rèn dũa, tô mài sự tinh tế, kiên trì… của mình bấy nhiêu.
Năm 18 tuổi, chuẩn bị lên đại học là lý do mình dừng chơi piano cổ điển. Bởi trong suy nghĩ coi piano là nghề tay trái, nên mình đã không chọn theo đuổi sự nghiệp âm nhạc trong các trường nhạc viện. Thay vào đó, năm nhất, mình quyết định chọn một trung tâm để học thêm piano đệm hát nâng cao.
Không còn là các bản nhạc dài tận mười mấy trang, không còn phải đánh đúng từng nốt nhạc như trước… bước vào đây mình được sáng tạo, phối các bài hát theo màu sắc của riêng mình. Có những hợp âm nghe thì ngang tai mà vẫn cứ hợp lý.
Bởi đó là sự tự do trong khuôn khổ.
Hơn thế, mình được gặp các thầy giáo xuất thân từ trường nhạc viện. Được nghe các thầy đánh cảm giác thật đẳng cấp, xịn xò mà một dân học đàn nghiệp dư như mình khó có thể chạm tới.
Thành công được đánh giá từ hành trình bạn đã trải qua
Đến đây mới thấy rằng, chặng đường 10 năm học piano của mình chỉ là hạt muối bỏ biển. Bình thường nhưng không tầm thường. Bởi vì chơi piano như là bệ phóng tư tưởng cho các bài viết của mình và tất cả mọi thứ mình đã làm sau đó.
- Là vì piano biến một đứa vốn khó tính, cục cằn trở nên bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc tốt hơn;
- Là vì piano biến mình từ một người khô khan, ít nói trở nên tinh tế, hoạt ngôn hơn nhiều;
- Là vì piano sẽ biến ai dễ nản, bỏ cuộc trở nên kiên nhẫn, có trách nhiệm trước mỗi việc mình làm hơn.
Có thể nói, piano hay chơi các một loại nhạc cụ khác chính là cách giúp bạn kết nối, lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình. Mỗi khi chạm tay vào các phím đàn, dường như mọi cảm xúc, suy nghĩ từ bên trong của mình đang được thổ lộ.
Khi lựa chọn chơi một loại nhạc cụ đơn giản chỉ là để giải trí, cũng chính là lúc âm nhạc có khả năng chữa lành, thấu cảm tâm hồn bạn.
Cho nên, mỗi âm thanh bạn tạo ra chính là con người bạn!
Học piano cổ điển là một hành trình dài nhiều thử thách, nhưng nó đã dạy mình một trong những bài học lớn trong cuộc đời đó là:
Thành công không phải tính theo số ngày, tháng, năm
Mình đã có một người thầy dạy piano có tài và vô cùng tâm huyết. Mình được học và đánh trên những nhạc cụ khá đắt tiền. Mình có gia đình luôn kề bên, động viên và sát cánh. Mẹ mình luôn bảo nhìn bạn bè xung quanh xem có ai được như con không?
Đúng, đến giờ mình vẫn luôn cảm thấy tự hào, biết ơn vì mình khá may mắn.
Có thể nói, mình có đủ mọi nguồn lực để phát triển, nhưng sau hơn một thập kỷ 7 phần rèn dũa, 3 phần ham chơi, mình vẫn chưa có gì để nói là thành công trên con đường học piano này.
Vì vậy, bạn không thể đánh giá thành công theo số ngày, tuần, tháng hay năm…
Liệu bạn đã nỗ lực đủ nhiều để mong có thành công hay chưa?
Hiện nay, mình thấy nhiều bạn trẻ, hay chính mình của vài năm trước đều không biết đam mê của mình là gì? Không biết mình có năng khiếu, tài giỏi ở điểm mạnh nào?
Thế nhưng, thực tế rất nhiều người trong số bạn thậm chí chưa kiên trì với công việc bạn làm được nổi một năm. Họ thấy nghề này đang hot, cũng muốn nhảy vô làm. Họ gắn bó với một công việc, yêu thích một bộ môn nào đó, nhưng chỉ duy trì được vài tháng và từ bỏ.
Vậy lý do gì bạn lại nóng vội chuyện thành công đến sớm hay muộn nhỉ?
Sao bạn không thử hỏi ngược lại chính mình, rằng bạn đã nỗ lực đủ nhiều, quyết tâm đủ lớn và kiên trì theo đuổi mục tiêu đó lâu dài hay chưa?
Không phải hôm nay bạn chăm chỉ gieo hạt và tích cực tưới cây thì ngày mai bạn sẽ gặt hái được ngay thành quả.
Nên đừng nhìn vào kết quả, quay ngang, ngó dọc, tạt nghiêng vào thành công của người khác mà tự tạo áp lực cho riêng mình.
Bạn chỉ nhìn thấy một phần hoàng nhoáng, đẹp mắt của họ trình diễn trên sân khấu, nhưng bạn đâu biết họ đã trải qua những gì ở phía sau?
Vì tất cả mọi điều đều cần có thời gian.
3. Lời khuyên
“Người khác chỉ nhìn thấy chúng ta ung dung như con vịt đang bơi trên mặt hồ nhưng chẳng ai biết ở dưới mặt nước đôi chân của nó đã phải quẫy đạp như thế nào?
Vậy nên bây giờ, mình không còn quá đặt nặng tâm thế phải học đàn hay phải thành nhạc công nổi tiếng… Mình vẫn ngày ngày chơi đàn. Đơn giản, vì mình yêu âm nhạc và mỗi giây phút ngồi vào cây đàn là khi tâm trí mình được thư giãn và tự do bay bổng.
Như việc mình đánh piano cover trên tiktok ở đây nè. ^^
Và rốt cuộc thành công cũng chỉ là tên một chiếc hồ, tên một con phố nhỏ. Muốn thành công có lẽ bạn cần cố gắng đủ nhiều, cần thời gian đủ lâu. Không được “dục tốc bất đạt” nha.
Vì điều quan trọng thành công không phải là đích đến mà là hành trình chúng ta đang đi.
Đó chính là bài học cuộc sống mình nhận ra sau 10 năm học đàn piano. Cảm ơn bạn đã đọc đến đây, hy vọng bạn sẽ cảm nhận đâu đó sự hữu ích qua bài viết của mình!